Tản văn

Điện Biên Phủ – một thiên sử vàng

Điện Biên, miền đất lịch sử anh hùng, một vùng núi đẹp như tranh với rợp trời hoa ban trắng khi xuân về, cánh đồng Mường Thanh trải rộng ngút ngàn tầm mắt, dòng Nậm Rốm êm đềm chảy như bản tình ca và các chứng tích về một thời bom đạn vẫn còn đó trên mỗi tấc đất Điện Biên hôm nay.

Dien Bien Phu mot thien su vang - Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng

Mời bạn về thăm nơi đây, ngược dòng lịch sử cùng sống lại kí ức về một thời kì chiến đấu và chiến thắng oanh liệt, hào hùng của dân tộc, về với Điện Biên bạn mới thật sự cảm nhận rõ khí phách đấu tranh ngoan cường của dân tộc Việt Nam mà nhiều khi ta không thể thấu hết được qua sử sách. Nơi đây được coi là biểu tượng muôn đời về tinh thần vùng lên tự giải phóng của các dân tộc bị cường hào, thực dân, đế quốc áp bức; đồng thời còn là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự gắn liền với tên tuổi Lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trận đánh đã ghi dấu trong lịch sử quân sự thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 62 năm được đánh giá là “lừng lẫy non sông, chấn động địa cầu” và di tích Điện Biên Phủ đã được xếp hạng 23 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Sáu mươi hai năm, là một thời gian dài nhưng không khí rạo rực của phút giây chiến thắng đó dường như vẫn còn vẹn nguyên tại Hầm Chỉ huy của tướng Đờ Cát. Nơi đây còn ghi dấu nguyên vẹn giờ phút lịch sử đội quân của đại Tướng Võ Nguyên Giáp bắt sống tướng Đờ Cát tại bàn làm việc và lá cờ quyết chiến, quyết thắng đã được cắm trên nóc hầm của ông ta, đánh dấu sự thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên. Sở Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thành ngôi mộ chôn vùi những ảo tưởng, những chiến lược quân sự, những quyết định và cố gắng cuối cùng của Pháp tại Điện Biên Phủ. Sự thực lịch sử không thể chối cãi về kết quả được ghi lại nơi đây – hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát khiến ta nghĩ liệu ông ta có xứng hay không khi tuyên bố: “Tôi hân hạnh được làm đối thủ của tướng Giáp”

 Tôi đang đứng ở đây Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hầm của tướng Đờ Cát nằm ở vị trí nào, mục đích là gì?  Đây chính là căn hầm chỉ huy bí mật dưới lòng đất, nằm ở vị trí trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là cơ quan đầu não điều hành mọi hoạt động chiến sự diễn ra tại lòng chảo Điện Biên Phủ của thực dân Pháp nay thuộc phường Mường Thanh – thành phố Điện Biên Phủ cách đồi A1 khoảng hơn 1km về hướng Tây Bắc. Đứng trên một ngọn đồi cao du khách có thể nhìn thấy toàn cảnh hầm Đờ Cát. Bạn cũng sẽ nhìn thấy toàn cảnh ngoài hầm này nếu đến Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ – nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy chiến dịch, từ Sở chỉ huy này, đi lên cao hơn, đứng trên điểm cao nhất, có thể quan sát toàn bộ thành phố Điện Biên Phủ, thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm trước kia của quân Pháp như đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi D1, đồi C1, đồi A1,… Dưới sự chỉ đạo của tướng Đờ Cát, Viên Đại úy được tin tưởng trao nhiệm vụ toàn quyền trong sứ mệnh bình định vùng Tây Bắc Việt Nam, Tập đoàn cứ điểm trở thành cái bẫy khổng lồ hòng nhử quân chủ lực Việt Nam đến giao chiến, giành thắng lợi kết thúc chiến tranh.

Về cấu trúc, khi những mũi xung kích cuối cùng của quân Việt Minh tiến thẳng vào căn hầm chỉ huy này, ta mới thấy đó là một công trình vững chắc, được ưu tiên hơn hẳn so với những căn cứ chỉ huy tại những cụm cứ điểm đã chiến. Đó là một căn hầm khá rộng rãi với nhiều lớp, tầng bảo vệ có thể chống đỡ các loại hỏa lực mạnh của đối phương. Trước đây khi xây dựng căn cứ này, lính Pháp đã lùng xục nhà dân, chọn những loại vật liệu vững chắc nhất, cướp bóc những phiến gỗ to tròn nhất để xây mái hầm, bên trên là vô số các loại vật liệu bao phủ thành từng lớp như tấm ghi, tấm thép uốn sóng phủ thêm thân cây và bao tài cát. Ngoài ra, một hệ thống ăng ten, điện đài lởm chởm phía trên hầm đảm bảo thông tin liên lạc tới các cứ điểm và Bộ chỉ huy dưới Hà Nội luôn được thông suốt. Phía ngoài được gài mìn dày đặc, được bao quanh bởi dây thép gai. Xa hơn, 4 hướng là những chiếc xe tăng, vũ khí hạng nặng luôn trong tình trạng báo động sẵn sàng chiến đấu. Quan sát phía bên trong ta dễ dàng nhận thấy căn hầm có hai cửa, một cửa quay hướng Đông, một cửa quay hướng Nam, chiều dài của hầm 20m, chiều rộng 8m, cao hơn 2m chia thành 4 ngăn với các bức tường ngăn dày gần 1m, giữa là một hành lang chạy dọc. Xung quanh khu vực hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai chằng chịt, chi chít bãi mìn, bốn góc là bốn chiếc xe tăng, và phía Tây là trận địa pháo bảo vệ. Phía trên nóc hầm có mái vòm sắt và các bao cát. Đây chính là đường hào có mái che nối liền hầm tướng Đờ Cát với lô cốt trên đồi A1. Quân Pháp đã dùng các bao cát và ván gỗ để dựng đường hào này. Mỗi ngăn hầm là nơi làm việc của các bộ phận chuyên môn giúp việc cho Đờ Cát trong đó phải kể đến Trung tá Charles Piroth, chỉ huy lực lượng pháo binh của Pháp tại Điện Biên Phủ (một sự bổ sung tuyệt vời cho De Castries theo những nhận định của các chuyên gia quân sự lúc bấy giờ), người đã tự sát ngày trong đợt tấn công đầu tiên của Việt Minh vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; các tham mưu phó – những kẻ hèn nhất, luôn run sợ trước những đòn tấn công như vũ bão của quân đối phương và một hệ thống thông tin liên lạc, hiện đại là nơi Đờ Cát trao đổi, xin mệnh lệnh của cấp trên trong quá trình diễn ra chiến sự. Ngăn hầm làm việc của Đờ Cát gần chính giữa căn hầm, khá tiện nghi với nhiều đồ dùng làm việc và sinh hoạt hằng ngày. Khi quân ta tiến vào căn hầm này, hầu như mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn ngoại trừ một số giấy tờ, mật lệnh quan trọng đang được chủ nhân của nó tiêu hủy. Đứng trong căn hầm này tôi nhận ra một cảm giác trái ngược hẳn so với khi ở lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có lẽ  do hai nơi ở này là hai chủ nhân hoàn toàn khác biệt.

Xem thêm:  Nhật ký làm bố

            Ngược dòng thời gian cùng ôn lại những thời khắc lịch sử đắng cay nhất của tướng Đờ Cát cùng căn hầm bí mật của ông ta.

 Trước khi diễn ra chiến sự, mối quan tâm hàng đầu của Đờ Cát bên cạnh việc biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn quân sự cỡ bự, Đờ Cát cũng luôn lo ngại quân đối phương có thể sẽ chùn bước, không dám tấn công trước sức mạnh to lớn của người Pháp. Ông ta luôn luôn phô trương sức mạnh bằng các cuộc diễn tập, thi thố giữa các cứ điểm, không ngừng lùng sục các vị trí nghi là điểm đóng quân của Việt Minh, đồng thời cũng không ngừng chế giễu, thách thức quân ta tấn công. Nếu bộ đội ta có thể liều lĩnh đánh vào thì tập đoàn cứ điểm sẽ trở thành “cái nhọt hút độc’, là “cái cối xay thịt” chủ lực Việt Minh. Chính vì thế, cả Pháp và Mĩ đều rất chủ quan thậm chí còn cho thả truyền đơn “thách Tướng Giáp tiến công” Điện Biên Phủ. Cũng trong thời gian này, tại căn hầm chỉ huy của mình, Đờ Cát đã tiếp đón nhiều quan chức cấp cao như: thủ tướng Pháp Joseph Laniel, tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower, thủ tướng Anh Winston Churchill cũng như, những nhà văn, nhà báo của làng báo chí phương Tây. Đó là dịp để ông ta khoe khoang thành tích và phóng đại và sức mạnh của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cũng như mục đích của trận chiến này.

            Trong khi Đờ Cát mải mê thách thức, khiêu chiến thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau nhiều đêm trăn trở, cân nhắc đã đưa ra những quyết định thay đổi lịch sử của một thiên tài quân sự: chuyển từ cách đánh “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, pháo đã được kéo vào rồi nhưng vẫn quyết tâm kéo ra. Theo Đại tướng “Đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi”. Sau nhiều lần thay đổi, cuộc tấn công vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được mở màn vào ngày 13/3/1954. Rõ ràng Bộ chỉ huy của chúng quá bất ngờ trước sức mạnh của pháo binh Việt Nam và kế hoạch tiêu diệt các cứ điểm của chúng một cách hoàn hảo, nhanh chóng. Chẳng thế mà Piroth đã phải tự sát khi không giữ được lời hứa mà ngay cả Đờ Cát cũng bắt đầu bất an trước tình thế của hai bên và tinh thần của binh lính dưới quyền. Những tài liệu sau này có ghi lại, từ sau đợt tấn công đầu tiên, Đờ Cát thường xuyên ở trong hầm và ít ra ngoài hơn. Chỉ huy chiến đấu chủ yếu chỉ từ các phó của ông ta và việc làm thường xuyên nhất của Đờ Cát là ngồi tại chỗ nghe ngóng, đưa ra những mệnh lệnh rời rạc không hiệu quả và liên tục điện về Hà Nội xin tăng viện hoặc bàn cách tìm đường rút lui. Ngày 29/4 Đờ Cát điện cho Cogny báo tin bùn trong những chiến hào ở Điện Biên Phủ đã sâu tới 1m và rằng mỗi ngày chỉ nhận được 30 tấn hàng tiếp tế và không có một tên lính tiếp viện nào.

Đợt tấn công thứ hai, rồi thứ ba của Việt Minh vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã trở thành chiến sự ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới. Thực dân Pháp đã tìm mọi cách để đương đầu với quân ta với sự viện trợ liên tiếp bằng đường hàng không. Đến giữa tháng 4 năm 1954, hầu như các cỡ pháo của ta đã làm chủ được bầu trời, khiến cho việc viện trợ bằng con đường này của Thực dân Pháp trở nên khó khăn gấp bội phần khi phải bay cao thả dù từ độ cao 2000 đến 3000m. Một nửa số dù hàng đã rơi vào trận địa của ta, trong đó có nhiều dù hàng có giá trị. Một trong số những dù hàng bị mất phải kể đến chiếc lon thiếu tướng của Đờ Cát và một số đồ mừng được gửi từ Hà Nội khi cuộc chiến đang trong hồi ác liệt. Mặc dù khá phấn khích trước sự thăng chức này nhưng cũng khiến cho buổi lễ ăn mừng được lên lon sau đó khá ảm đạm và hẳn nhiên Đờ Cát còn nhiều lo toan hơn niềm vui vừa đến với mình. Ngày 04/5, Cogny điện cho Đờ Cát một số chỉ thị về cuộc rút chạy theo quyết định của tổng chỉ huy và trao cho Đờ Cát được toàn quyền trong chuyện lựa chọn phương án và thời gian thực hiện, không quên yêu cầu Đờ Cát phải phá hủy tất cả những gì có thể phá, giữ bí mật về kế hoạch và hành động một cách thận trọng. Chỉ chờ có vậy, Đờ Cát liền triệu tập cuộc họp ngay trong ngày, với đầy đủ những thành phần quan trọng của Tập đoàn cứ điểm, phổ biến và bàn bạc kế hoạch rút lui tối ưu nhất. Bằng cách chia ra làm ba nhóm riêng rẽ theo các ngả Tây Bắc, Nam và Đông Nam, thương binh cùng một vài đơn vị bảo vệ phải ở ngay tại chỗ dưới quyền điều động trực tiếp của ông ta đồng thời đã ra lệnh phá hủy vũ khí phương tiện, chỉ để lại 3 ngày lương thực chờ thời cơ rút chạy sang Lào. Dự kiến kế hoạch rút chạy sẽ được thực hiện vào 20 giờ ngày 07/5/1954. Dù vậy không mấy ai có ảo tưởng vào lối thoát này, chiến hào của Việt Minh đã bao vây rất chặt, không còn kẽ hở. Ngay cả Cogny cũng cho rằng tháo chạy khỏi Điện Biên Phủ chỉ dẫn tới sự hi sinh vô ích. Theo Giuyn Roa "Ở Điện Biên Phủ, người ta gọi cuộc hành binh này là "mở con đường máu" để chứng tỏ không có ảo tưởng về nó: mười người sẽ chỉ còn lại một người".

Xem thêm:  Sưu tầm những nhận định hay về các tác phẩm thơ lớp 12

Sau khi chiếm được cứ điểm A1, chiếc chìa khóa then chốt của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã mất, hầm chỉ huy của Đờ Cát nằm trong tầm hỏa lực của Việt Minh. Các cuộc điện thoại, điện đàm, thương lượng với các kế hoạch cứu nguy, giải thoát, trốn chạy được diễn ra liên tiếp nhằm tìm lối thoát tối ưu nhất. Trong cái ngày định mệnh 7 tháng 5 năm 1954, rõ ràng Đờ Cát cũng đã có phần tiên liệu từ trước đó, chỉ rằng nó đến quá nhanh. Trước khi bị bắt, Đờ Cát đã có cuộc nói chuyện cuối cùng bằng điện thoại với chỉ huy của mình ở Hà Nội, khẳng định “Chúng tôi sẽ không hàng". Cogny đã nói những lời cuối cùng với cấp dưới của mình: "Tướng quân! Tất cả những gì ông đã làm được đều rất tốt, không được hàng, không được để bị bắt sống, ông phải tự sát. . . Cả nước Pháp sẽ ghi nhớ công lao của ông. . .". Ở đầu dây bên này Đờ Cát dập gót giày đứng nghiêm hứa với Cogny bằng một giọng cảm động rằng ông ta sẽ tử thủ đến cùng. Tuy nhiên ngay sau đó trong cuộc nói chuyện với vợ mình, bằng một giọng xúc động, Đờ Cát đã hứa là sẽ trở về về bình an. Bằng thái độ của một quân binh thực thụ, Đờ Cát đã hứa sẽ tử thủ đến cùng; bằng bản năng con người ham sống sợ chết, Đờ Cát đã giơ tay xin hàng. Khi các chiến sĩ Việt Nam tiến vào căn hầm của Đờ Cát, các gian hầm sáng choang ánh điện, hầm lương thực chất đầy bánh mì, socola, đồ hộp, v.v… Trong hầm, giấy tờ vẫn ngổn ngang, nhiều máy điện đài và các giấy tờ lưu trữ chưa kịp tiêu huỷ. Trên bàn Đờ Cát la liệt những chai rượu uống dở, ngổn ngang cốc chén, có cả một bức thư của vợ Đờ Cát, phía cuối hầm là đống giấy đang cháy. . . De Castries ăn mặc chỉnh tề đầu đội mũ calô đỏ với quân phục mùa hè ngắn tay màu vàng nhạt, trên ngực đeo một cặp huân chương. Vị chỉ huy có dáng dấp giống Hoàng đê La mã giờ đây không còn giữ được vẻ ngang tàng, hống hách trước kia nữa mà đã cùng 2 tên sỹ quan tuỳ tùng của mình theo lệnh của Việt Minh đi về phía trại tạm giam. Đờ Cát cùng Bộ chỉ huy của mình đã đầu hàng trước hai hàng gọng súng của Việt Minh khi họ đầy khí thế tiến thẳng vào đây vào lúc 17h30’ ngày 7/5/1954. Và cái kế hoạch chạy trốn sang Thượng Lào đã được bàn tính trước đó đã mãi mãi không bao giờ thực hiện được. Lần đầu tiên trong lịch sử ta bắt sống “cơ quan đầu não” và toàn bộ lính chiến đấu của quân đối phương, kết thúc cuộc chiến không cân sức kéo dài nhiều năm. Với những người trong cuộc, giây phút một tướng chỉ huy “lỗi lạc” với nhiều thành tích không chịu khuất phục trước đó, nay lại không chút phản kháng, lầm lũi giơ tay xin hàng mãi là hình ảnh bất hủ trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Lá cờ quyết chiến quyết thắng được cắm trên nóc hầm Đờ Cát, đánh dấu sự thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ và Việt Nam. Ở Điện Biên Phủ, Đờ Cát hi vọng sẽ đứng trên bục danh vọng và địa vị; nhưng tiếc thay nó lại trở thành mồ chôn những ảo tưởng, hống hách và tham vọng.

Bạn biết gì về vị tướng “đáng gờm” này ? Đờ Cát tên gọi đầy đủ là Christian Marie Ferdinand de la Croix de Castries, sinh ngày 11/8/1902 tại thủ đô Paris nước Pháp. Đờ Cát xuất thân trong một gia đình có dòng dõi quý tộc, dòng họ của Đờ Cát đã làm binh nghiệp từ thời thập tự chinh, có người đã làm tới Thống chế và Bộ trưởng Hải quân dưới thời vua Louis XV. Tướng Đờ Cát sang Đông Dương năm 1946, ban đầu làm chỉ huy trưởng binh đoàn lê dương cơ động Morocco, tác chiến ở phía Nam đồng bằng Bắc Bộ và nhanh chóng nổi tiếng vì xông xáo trận mạc. Ngày 8/12/1953, Đờ Cát tới Điện Biên Phủ, chính thức nhận nhiệm vụ chỉ huy trưởng Gono tức binh đoàn tác chiến Tây Bắc, cũng là tên gọi tắt tiếng Pháp của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, theo sự bổ nhiệm của tướng Na-va. Và Đờ Cát đã không ngần ngại bắt tay vào việc xây dựng tập đoàn cứ điểm kiểu Nà Sản, biến nơi đây thành căn cứ quân sự khổng lồ, "mạnh nhất Đông Dương". Ngay từ sau khi hoàn thành việc xây dựng, Đờ Cát hợm hĩnh tuyên bố: “Được lắm! Họ từ trên cao bắn xuống chúng tôi ư? Tôi sẽ đội cái mũ calo đỏ của tôi lên cho họ trông rõ tôi hơn"; và: "Phải làm cho Việt Minh kéo xuống thung lũng này. Nếu họ xuống, chúng tôi sẽ tóm được họ. Trận đánh có thể gay gắt nhưng nhất định chúng tôi sẽ chặn họ lại và cuối cùng thế nào cũng nắm được một mục tiêu tập trung mà chúng tôi sẽ "quật"…". Đeo lon tướng được đúng hai tuần, thì Đờ Cát thất thủ và phải vào trại tù binh. Rõ ràng trong hàng ngũ các tướng lĩnh của quân đội Pháp tại Đông Dương, số phận của Đờ Cát thực sự quá hẩm hiu…Có người đã khái quát những tháng ngày ở cương vị này của Đờ Cát theo trình tự thời gian từ cảm giác hoan hỉ, hung hăng, huênh hoang tới hoảng hốt và thất bại nhục nhã.

Ngày 07/5/1954, Đờ Cát bị bắt làm tù binh tại Điện Biên Phủ. cùng với những sĩ quan, binh lính dưới quyền, Đờ Cát được giải về Sở chỉ huy chiến dịch của quân đội Việt Minh tại Mường Phăng, sau đó được đưa về trại giam Na Hang, Tuyên Quang để lấy lời khai và tiếp tục được giải về trại giam Việt Trì, Phú Thọ. Tại đây, ông ta đã không ít lần trải lòng về những ngày tháng chỉ huy Tập đoàn cứ điểm và bày tỏ sự khâm phục về chiến thắng và sự mưu lược trong nghệ thuật chiến đấu của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngày 3 tháng 9 năm 1954, sau gần 4 tháng bị bắt giữ Đờ Cát được trao trả cho nước Pháp theo hiệp định Genever. Cho đến mãi sau này Đờ Cát vẫn không thể quên được chính sách khoan hồng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trước khi được trao trả về Pháp, Đờ Cát đã dành nhiều lời lẽ bày tỏ sự thán phục tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Viên tướng Pháp chia sẻ: “Tướng Giáp là một người thông minh, dũng cảm và giỏi về chính trị. Nay qua trận Điện Biên Phủ, tôi thấy Tướng Giáp không những giỏi về chỉ huy đánh du kích, mà còn giỏi cả về chỉ huy trận địa chiến, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng, và cả về nghi binh đánh lừa tình báo đối phương”. Điều làm Đờ Cát hết sức ngạc nhiên là không biết Tướng Võ Nguyên Giáp đã tốt nghiệp từ những trường, học viện võ bị cao cấp nào. Quân đội viễn chinh Pháp và các tướng tá Pháp là một đội quân nhà nghề, thiện chiến và trang bị hiện đại. “Sự kiện Tướng Giáp thắng chúng tôi ở Điện Biên Phủ làm chúng tôi ngạc nhiên về tài năng của ông ấy. Chúng tôi biết Đại tướng là một trí thức và là một giáo sư đã từng dạy học ở Hà Nội. Nhưng không phải nguồn kiến thức nào cũng biến được thành tri thức quân sự, không phải người trí thức nào cũng biến được thành vị tướng giỏi đâu”, vị tướng này cho biết. Đờ Cát thừa nhận Tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp và khôn ngoan hơn, tài giỏi hơn ông, thậm chí hơn cả tướng Cogny và tướng Na-va. Tướng Đờ Cát hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Ông tỏ ra vô cùng ngưỡng mộ và kính phục vị tướng tài ba của dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam tự hào vì đã có một Võ Nguyên Giáp được bạn bè thế giới khâm phục, kẻ thù nể trọng như một “Anh hùng châu Á”, “Đại tướng 5 sao”, “Một danh tướng đã đi vào huyền thoại”. Chính ông là người đã đánh bại 7 tướng Pháp và nhiều tướng Mỹ sau này, dẫn dắt nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng. Ông được mệnh danh là Đại tướng của nhân dân, vị tướng có một không hai trong lịch sử dân tộc. Nhưng thực tế liệu Đờ Cát có thật sự  hiểu về Đại tướng  của dân tộc Việt Nam?  Như lời của bác Giáp đã nói trong cuộc trò truyện với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mĩ Mc Namara Tướng Chester Cooper: “Vị tướng giỏi nhất Việt Nam là nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Người Mĩ thua Việt Nam bởi vì chưa hiểu vị tướng ấy”. Chiến lược của nhân dân Việt Nam là “chiến lược hòa bình”.

Xem thêm:  Những nội dung Ngữ văn 10 có liên quan đến kì thi THPT Quốc Gia

Trong khoảng một thời gian sau khi trở về từ Việt Nam, Đờ Cát còn tham gia vào cuộc chiến tranh ở Algérie. Năm 1984, Đờ Cát có ý muốn quay trở lại thăm Việt Nam nơi đã từng gắn bó một phần cuộc đời binh nghiệp với biết bao sự nuối tiếc, nhưng do hoàn cảnh bấy giờ chính sách mở cửa còn khắt khe nên ý nguyện đó của Đờ Cát không thể thực hiện được. Năm 1991, Đờ Cát qua đời tại Pháp khi đã 89 tuổi. Năm 1994, con gái của Đờ Cát đã sang Việt Nam và lên thăm Điện Biên Phủ, thực hiện ước nguyện chưa thành của người cha quá cố.

 Quay trở lại căn hầm Đờ Cát, một sự kiện không thể nào quên đó là: tại căn hầm này, còn diễn ra một đám cưới có một không hai chỉ vài ngày sau khi tên tướng bại trận bị bắt. Tiệc cưới với những chiến lợi phẩm thu được của địch với rượu tây, thuốc lá thơm, … được bày biện khá đẹp mắt, xung quanh bồng bềnh những chiếc dù thu được với đủ màu sắc. Không có gia đình, họ hàng thân thích, chủ hôn chính là cấp chỉ huy tại đơn vị dưới sự chứng kiến của khoảng 40 đến 50 khách đều là đồng đội của họ. Chú rể chính là Cao Văn Khánh, Đại đoàn phó Đại đoàn 308 sau này trở thành Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; còn cô dâu là Nguyễn Thị Ngọc Toản, là y tá mặt trận, sau này trở thành Đại tá, bác sỹ sản phụ khoa đầu ngành của nước ta.

Hầm tướng Đờ Cát hiện nay được rào giậu, gia cố cẩn thận để chống lại sự tàn phá của thời gian, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách trong và ngoài nước. Phía trên miệng hầm dựng một bức hình bằng xi măng rộng khoảng 6m2, khắc họa hình ảnh tướng Đờ Cát cầm ba tong cùng đoàn tùy tùng lầm lũi đầu hàng quân đội Việt Nam Di tích hầm Đờ Cát mãi là minh chứng cho tinh thần chiến đấu bất diệt và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc có thể đánh bại bất cứ kẻ thù xâm lược nào.

Mỗi địa danh trên con đường hướng về Điện Biên đều chứa trong mình ký ức lịch sử hào hùng, chiến thắng vẻ vang năm xưa. Dấy lên trong mỗi chúng ta niềm tự hào và biết ơn sâu sắc với thế hệ cha anh đã chiến đấu kiên cường và hy sinh anh dũng vì độc lập dân tộc. Về thăm lại vùng đất Điện Biên Phủ anh hùng là hành trình trở về với cuội nguồn. Cùng với những di tích lịch sử khác ở Điện Biên, Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (hầm Đờ Cát) mãi là một trong những điểm đến lí tưởng của du khách. Để từ cội nguồn này chúng ta tiếp bước cha viết thêm những trang sử hào hùng. Trang sử của một quyết tâm sắt đá, một tinh thần đoàn kết làm lay động cả thế giới và một lòng yêu nước chưa bao giờ tắt. Lòng tự hào được khơi nên từ truyền thống hàng ngàn năm lịch sử, từ những chiến thắng oai hùng đã đi vào sử sách, từ những con người đã trở thành biểu tượng bất khuất cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng.